[Kiến Thức] Công Suất Chạy Bộ Là Gì? So Sánh 5 Thiết Bị Đo Lường Công Suất Chạy Bộ

Thanh Hai
Đăng ngày 12/05/2022
558 Lượt xem
0 Người yêu thích
Thêm vào yêu thích

I Công suất chạy bộ là gì?

“Công suất chạy bộ” là một trong những thông số khá mới trong những năm gần đây, khái niệm này bắt nguồn từ làng xe đạp, nó được dùng để đánh giá cường độ của lực đạp. “Công suất” về mặt cơ bản là phép tính nhân giữa “lực” và “tốc độ” (Power=Force x tốc độ (vận tốc)), nó chịu ảnh hưởng đồng thời của cả hai yếu tố sức mạnh và tốc độ. Ưu điểm của nó ở chỗ cho dù tốc độ như nhau, về mặt lý thuyết, công suất vẫn thay đổi tùy theo cân nặng, độ dốc và lực cản của gió; do đó, toàn bộ những yếu tố đó sẽ làm thay đổi sức mạnh của lực phát sinh. Từ đó có thể thấy việc đo lường công suất có thể giúp chúng ta có được những dữ liệu khách quan và chính xác hơn về cường độ vận động.

Tuy nhiên, đối với công nghệ và kỹ thuật ngày nay khó có thể đo lường được lực sản sinh thực tế trong chạy bộ, vì vậy những loại công suất kế chạy bộ có mặt trên thị trường hiện nay chủ yếu dựa trên phương thức suy luận để có được “công suất chạy bộ”. Như vậy, những số liệu công suất của các thiết bị đo lường đó có liệu có thể phản ánh một cách thực tế cường độ vận động không? Tính ổn định của những con số đó có thể tham khảo được không?


Nghiên cứu liên quan đến 5 loại thiết bị công suất chạy bộ trên thị trường

Vào năm 2021, nhóm nghiên cứu của trường đại học University de Castilla-La Mancha đã phát biểu một luận văn mang tên “Are we ready to measure running power? Repeatability and concurrent validity of five commercial technologies” (tạm dịch: Chúng ta đã sẵn sàng đo lực chạy? Độ tái lặp và độ chuẩn xác của 5 công nghệ được bán trên thị trường?). Họ đã tìm hiểu 5 dòng thiết bị đo công suất chạy bộ: StryApp, StrydWatch, RunScribe, GarminRP và PolarV về tính ổn định và số liệu liên quan đến việc hấp thụ dưỡng khí được đo từ công suất kế.

Thí nghiệm được thực hiện trên 12 vận động viên nam từ bộ môn ba môn phối hợp và điền kinh ở cự ly trung và dài, với chỉ số hấp thụ dưỡng khí cực đại bình quân là 61,3 ± 5,6 ml/kg/min, số năm tập luyện 6,7 ± 2,4 năm. Các vận động viên được yêu cầu chạy trên máy tập và chạy ở sân điền kinh. Cuộc thí nghiệm được tiến hành ở những tốc độ, sự thay đổi thể trọng và độ dốc,…Và ở sân điền kinh, họ phải chạy ở những vận tốc khác nhau.

Ảnh bên dưới là 5 loại thiết bị đo công suất trong lần nghiên cứu này, cùng với nguyên lý tính toán cung cấp bởi các nhà sản xuất của thiết bị. Từ đó, có thể thấy được phương pháp tính toán của các nhà sản xuất có những điểm khác nhau, chẳng hạn như vị trí đặt máy đo (giày, ngực, cổ tay), hoặc thiết bị cảm biến (GPS, cảm biến gia tốc, áp kế), cùng với những yếu tố liên quan khác (tốc độ, độ dốc, hướng gió, cân nặng, dao động theo chiều thẳng đứng VO,…), thuật toán,…Trong điều kiện chạy bộ khác nhau, sẽ cho ra những giá trị công suất chạy khác nhau, đồng thời sẽ mang lại sự khác biệt về tính ổn định của các thông số.

GarminStrydiOS APP StoreGarminRunScribePolar là 5 thiết bị được sử dụng trong nghiên cứu. (Ảnh: Biji Vietnam)

   A. Tính ổn định của các thông số của các công suất kế khác nhau

Kết quả nghiên cứu cho thấy, ở môi trường chạy trên máy tập cho dù tốc độ, cân nặng và độ dốc thay đổi, StrydApp và StrydWatch đều cho những thông số công suất mang tính ổn định vượt trội nhất (ICC = 0,988 – 0,999), đứng thứ hai là RunScribe (ICC = 0,589 - 0,709), Garmin có biểu hiện hơi kém (ICC = 0,121 – 0,495).

* Hệ số tương quan nội bộ nhóm ICC (intra-class correlation coefficient)

ICC là công cụ đo lường quan sát tính ổn định của các giá trị trong các thuật tác thống kê. Giá trị ICC càng cao đồng nghĩa với sự tương đồng càng cao của các giá trị trong việc tái lặp ở điều kiện không thay đổi; ngược lại, nếu ở cùng một điều kiện, mỗi lần đo lường đều nhận được những giá trị không như nhau, thì tính chênh lệch càng lớn. Thông thường, những thiết bị có hệ số ICC lớn hơn 0,95 được xem là công cụ đo lường đáng tin cậy.

Kết quả về tính ổn định của giá trị công suất chạy bộ trên máy tập.

Đối với môi trường chạy ở sân điền kinh, giá trị của StryApp và StrydWatch đều có tính ổn định rất cao (ICC = 0,989 – 0,990), sau đó là GarminRP (ICC = 0,823), RunScribe (ICC = 0,563) và PolarV (ICC = 0,487).

Kết quả về tính ổn định của giá trị công suất chạy bộ ở đo được ở sân điền kinh.


  B. Mối liên quan giữa công suất chạy bộ và lượng dưỡng khí hấp thu

Cho dù là trên máy tập hay ở sân điền kinh, giá trị công suất chạy bộ của StryApp và StrydWatch đều có mối liên hệ mật thiết với lượng dưỡng khí hấp thụ (r > 0,9), tiếp đến là môi trường tập bên ngoài thì PolarV ( r = 0,841) và GarminRP ( r = 0,700). Ở đây có thể thấy được giá trị công suất và lượng dưỡng khí hấp thụ tỷ lệ thuận với nhau: giá trị công suất càng lớn, lượng dưỡng khí hấp thu cũng sẽ tăng lên, điều đó cho thấy những giá trị công suất chạy bộ này có thể phản ánh cường độ vận động một cách khách quan, do đó nó là những giá trị có tính chất tham khảo đáng tin cậy.

Song, biểu hiện của công suất kế RunScribe chỉ ở mức trung bình trong cả hai môi trường vận động.

* Hệ số tương quan r

Thường được dùng để đo lường cấp độ của mối quan hệ giữa hai giá trị đo lường trong nghiên cứu. Khi hệ số tương quan r càng cao, đồng nghĩa với mối quan hệ giữa hai giá trị càng mật thiết và càng đồng nhất hơn. Thông thường, khi giá trị r > 0,7 thì hai giá trị có mối liên hệ rất mật thiết, nếu r nằm trong phạm vi 0,4-0,7 được xem là ở mức độ trung bình.

Kết quả của mối quan hệ giữa công suất chạy bộ và lượng dưỡng khí hấp thụ trên từng thiết bị.


Kết luận

Theo kết quả nghiên cứu cho thấy, công suất kế khác nhau sẽ cho ra những giá trị công suất chạy bộ với tính ổn định và lượng dưỡng khí hấp thụ khác nhau. Kiến nghị ace khi sử dụng có thể tham khảo kết quả thực tế được rút ra từ nghiên cứu để đưa ra chọn lựa thiết bị phù hợp cho bản thân. Ngoài việc xem xét những ý nghĩa và tính chuẩn xác của các số liệu ra, nên tìm hiểu tính ổn định của các thông số đó.

Đồng thời, đặc biệt nên chú ý, kết quả của nghiên cứu này không những chịu ảnh hưởng những thuật toán khác nhau của từng nhà cung cấp, mà còn được thử nghiệm ở những điều kiện không giống nhau, chẳng hạn như ở môi trường chạy trên máy tập chỉ thực hiện dưới sự ảnh hưởng của tốc độ, độ dốc và cân nặng; song ở môi trường sân điền kinh chỉ tiến hành đo lường ở những tốc độ khác nhau chứ không thêm vào các yếu tố ảnh hưởng khác như độ dốc, cân nặng, loại đường chạy và sức cản hướng gió.

Ngoài ra, bài viết chủ yếu so sánh các thiết bị đo lường công suất chạy bộ của các nhà sản xuất khác nhau, không đề cập đến những thông số chạy bộ khác (tốc độ, thời gian tiếp đất, dao động chiều thẳng đứng,…), do đó không có nghĩa rằng những thông số chạy bộ khác đều cho ra kết quả tương tự.

 

Tài liệu tham khảo:

Cerezuela-Espejo, V., Hernández-Belmonte, A., Courel-Ibáñez, J., Conesa-Ros, E., Mora-Rodríguez, R., & Pallarés, J. G. (2021). Are we ready to measure running power? Repeatability and concurrent validity of five commercial technologies. European Journal of Sport Science, 21(3), 341–350. https://doi.org/10.1080/17461391.2020.1748117


Theo Running Biji

Ảnh đại diện: TrainingPeaks