[Kiến Thức] Điều Gì Xảy Ra Khi Bạn Thường Ngủ Cạnh Điện Thoại?

anh mai
Đăng ngày 02/02/2023
324 Lượt xem
0 Người yêu thích
Thêm vào yêu thích

Chắc hẳn bạn đã nghe nhiều tin đồn rằng bức xạ điện thoại di động gây mất trí nhớ hay thậm chí gây ung thư não. Mọi người thường cho rằng ngủ cạnh điện thoại là một ý tưởng tồi. Thực sự là như vậy, ngủ bên cạnh thiết bị của bạn chắc chắn không phải là điều tốt nhất nhưng không phải vì nó làm tăng nguy cơ mắc bệnh nan y.

Điện thoại di động không đốt cháy bộ não của bạn vào ban đêm (hoặc vào ban ngày) như những điều bạn có thể đã thấy trên Facebook, YouTube hoặc Instagram. Tuy nhiên, có lý do chính đáng để bạn bỏ chiếc điện thoại của mình càng xa càng tốt mỗi khi đi ngủ.

NGỦ BÊN CẠNH ĐIỆN THOẠI CÓ LÀM TĂNG NGUY CƠ UNG THƯ KHÔNG?

Điện thoại di động ‌phát ra bức xạ, bức xạ có thể gây ung thư, nhưng đó là bức xạ ion hóa, được phát ra từ tia X và radon, có thể gây tổn thương DNA, làm tăng khả năng mắc bệnh ung thư. 

Trong khi đó, bức xạ phát ra từ điện thoại di động, được gọi là bức xạ tần số vô tuyến hoặc sóng vô tuyến, không ion hóa, nghĩa là nó không gây tổn thương DNA, theo Viện Ung thư Quốc gia Hoa Kỳ (NCI). Bức xạ tần số vô tuyến còn được phát ra từ tín hiệu radio và TV, lò vi sóng và Wi-Fi, v.v.)

Bức xạ từ điện thoại di động có hại không?

Điện thoại di động phát ra bức xạ trong vùng tần số vô tuyến của quang phổ điện từ. Điện thoại di động thế hệ thứ hai, thứ ba và thứ tư (2G, 3G, 4G) phát ra tần số vô tuyến trong dải tần 0,7–2,7 GHz. Điện thoại di động thế hệ thứ năm (5G) được dự đoán sẽ sử dụng phổ tần số lên tới 80 GHz. Tất cả các tần số này đều nằm trong dải phổ không ion hóa, đó là tần số thấp và năng lượng thấp. Năng lượng quá thấp để làm hỏng DNA.

Cơ thể con người hấp thụ năng lượng từ các thiết bị phát ra bức xạ tần số vô tuyến. Hiệu ứng sinh học duy nhất được công nhận một cách nhất quán của sự hấp thụ bức xạ tần số vô tuyến ở người mà chúng ta có thể gặp phải là làm nóng vùng cơ thể nơi cầm điện thoại di động (ví dụ: tai và đầu).

Như vậy, có bằng chứng cho đến nay cho thấy việc sử dụng điện thoại di động không gây ung thư não hoặc các loại ung thư khác ở người.

Cho đến nay, vẫn chưa có một nghiên cứu nào khẳng định chắc chắn rằng liệu việc đặt điện thoại dưới gối khi ngủ có làm tăng tỷ lệ mắc bệnh ung thư hay không? Nhưng các chuyên gia đã có một số kết luận để bác bỏ điều này.

Theo Bác sĩ y khoa Stephanie Weiss, Trưởng khoa Ung thư Thần kinh tại Trung tâm Ung thư Fox Chase Philadelphia cho biết: "Các phân tích tổng hợp quy mô lớn đã được thực hiện để tìm kiếm liệu có tồn tại mối liên hệ giữa điện thoại di động và ung thư, nhưng không có phân tích nào có thể đưa ra kết luận chắc chắn. Hiện tại, chúng tôi không có bất kỳ lý do nào để tin rằng điện thoại di động gây ung thư."

Một danh sách dài các tổ chức lớn cũng ủng hộ bằng chứng rằng việc sử dụng điện thoại di động thậm chí ngủ cạnh điện thoại là an toàn. Bao gồm Cục Quản lý Thực phẩm & Dược phẩm, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh và Ủy ban Truyền thông Liên bang.

NHỮNG NHƯỢC ĐIỂM KHÁC ĐỂ XEM XÉT

Các nghiên cứu cũ hơn đã đánh giá phơi nhiễm bức xạ tần số vô tuyến từ điện thoại di động analog. Ngày nay, nhờ những tiến bộ trong công nghệ, điện thoại di động sử dụng công nghệ kỹ thuật số, hoạt động ở tần số khác và mức năng lượng thấp hơn so với điện thoại analog, và công nghệ di động tiếp tục thay đổi.

Mặc dù không có những kết luận chắc chắn rằng điện thoại di động có thể gây ra ung thư não hay các loại ung thư khác nhưng nhưng không thiếu bằng chứng liên quan đến việc sử dụng điện thoại vào ban đêm với giấc ngủ kém hơn.

Việc sử dụng điện thoại trước khi đi ngủ có thể khiến bạn khó đi vào giấc ngủ hơn nhờ sự kết hợp giữa ánh sáng xanh ức chế melatonin và nội dung kích thích.

Theo Giám đốc Y khoa của Trung tâm Rối loạn Giấc ngủ tại Bệnh viện Providence St. Joseph ở California, Bác sĩ Peter A. Fotinakes cho biết: "Một tiếng bíp hoặc âm thanh khác phát ra từ điện thoại di động của bạn là đủ để đánh thức bạn khỏi giấc ngủ. Nếu điện thoại báo hiệu có cuộc gọi hoặc tin nhắn đến, bạn có thể buộc phải tỉnh táo hoàn toàn để trả lời. Nếu bạn chọn không trả lời, thì bạn có thể nằm thao thức trên giường và suy nghĩ xem ai đang gọi hoặc nhắn tin cho mình lúc 2 giờ sáng."

Dù bằng cách nào, thời gian ngủ của bạn đã bị gián đoạn, làm giảm chất lượng giấc ngủ của bạn. Trên thực tế nếu để điện thoại bên cạnh khi ngủ, có thể làm giảm thời gian nhắm mắt của bạn trung bình khoảng 48 phút, theo một nghiên cứu vào tháng 10 năm 2018 trên ‌ PLOS One.

VẬY NGỦ BÊN CẠNH ĐIỆN THOẠI CỦA BẠN THỰC SỰ TỆ NHƯ THẾ NÀO?

Một chiếc điện thoại di động gối đầu giường không đốt cháy bộ nào của bạn theo cả nghĩa đen hay nghĩa bóng, hay thậm chí là vũ khí gây chết người. Nhưng ngủ gật bên cạnh thiết bị của bạn chắc chắn có thể làm gián đoạn giấc ngủ của bạn, ảnh hưởng đến mức năng lượng và tâm trạng của bạn vào ngày hôm sau (và trước đó là sức khỏe của bạn). Vì vậy, tốt nhất là nên để điện thoại cách xa khỏi bạn trong khi ngủ.

BẠN NÊN ĐỂ ĐIỆN THOẠI CÁCH XA BAO NHIÊU KHI NGỦ?

Không có bằng chứng khoa học nào chỉ ra rằng nên để điện thoại cách bao xa trong khi ngủ, tuy nhiên tốt nhất là bạn nên để điện thoại của mình ở vị trí mà nó không ảnh hưởng tới chất lượng giấc ngủ của bạn.

Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã đề xuất một số cách mà người dùng điện thoại di động có thể thực hiện để giảm tiếp xúc với bức xạ tần số vô tuyến:

  • Sử dụng điện thoại di động cho các cuộc trò chuyện ngắn hơn hoặc những lúc không có điện thoại cố định.
  • Sử dụng thiết bị có công nghệ rảnh tay (hands-free technology), chẳng hạn như tai nghe có dây, giúp tạo khoảng cách xa hơn giữa điện thoại và đầu người dùng. Việc sử dụng tai nghe có dây hoặc không dây giúp giảm lượng bức xạ tần số vô tuyến tiếp xúc với đầu vì điện thoại không được áp sát vào đầu. Phơi sáng giảm đáng kể khi điện thoại di động được sử dụng ở chế độ rảnh tay.

Nguồn tham khảo: Livestrong.com, cancer.gov