Cách Olympic Rio 2016 nửa năm về trước, ở khu vực Trung và Nam Mỹ đã có sự xuất hiện của vi rút Zika, một loại bệnh truyền nhiễm lây lan bởi muỗi, nhiều công trình của Thế Vận Hội đã bị trì hoãn, các nạn tham ô của chính phủ cũng liên tục bị vạch trần. Tuy nhiên, Thế Vận Hội vẫn khai mạc một cách thuận lợi, các nội dung thi đấu đều diễn ra khá suôn sẻ cho đến nội dung marathon nam, nội dung cuối cùng trong ngày bế mạc hội thao.
Thế Vận Hội 2016 được tổ chức tại Rio, Brazil. (Ảnh: Running Biji)
Nội dung marathon với vạch xuất phát và đích đến được đặt ở quảng trường Sambódromo, nơi được xây dựng nhằm phục vụ cho lễ hội Rio Carnival, lộ trình đường chạy được quy hoạch trên cùng một cung đường với hai chiều đi và về, và cũng là lần thứ hai liên tiếp nội dung marathon của Olympic không đi vào khu vực khai mạc và bế mạc của đại hội.
Vận động viên đến từ Kenya Eliud Kipchoge tiếp tục giành chiếc huy chương đồng nội dung 5.000m sau Olympic Athens 2004 và HCB Olympic Bắc Kinh 2008. Và lần này là lần thứ ba anh có mặt tham dự Olympic và chuyển sang thi đấu ở nội dung marathon, không ngờ lại xuất sắc giành huy chương vàng. Chiếc huy chương vàng của Kipchoge ở nội dung marathon lần này mang về cho đất nước Kenya tấm huy chương vàng thứ hai trong lịch sử marathon nam tại Olympic, HCB thuộc về chân chạy người Ethiopia Feyisa Lilesa, HCĐ do Galen Rupp (Mỹ) nắm giữ.
Kỷ lục marathon thế giới lúc ấy do Dennis Kimetto (Kenya) nắm giữ với thành tích 2 giờ 02 phút 57 giây, kỷ lục được lập tại Berlin (Đức) vào ngày 28/9/2014. Trong khi đó, kỷ lục marathon tại Olympic thuộc về Samuel Wanjiru (Kenya) với thành tích 2 giờ 06 phút 32 giây, được thiết lập tại Bắc Kinh năm 2008.
Nội dung marathon diễn ra vào ngày 21/8/2016 vào lúc 9 giờ 30 phút sáng tại Sambódromo, Rio de janeiro, với sự góp mặt của 155 vận động viên đến từ 79 quốc gia, cùng nhau tranh đấu trên cung đường marathon dài 42,195km. Xuất phát tại Sambódromo, sau khi xuất phát chạy 5km, sau đó là một đoạn chạy đi-quay đầu dài 10km với 3 lượt chạy (đoạn từ 5-35km), đoạn cuối không chạy tuyến đường 5km đầu mà vòng sang bọc khu vực thành phố với đường chạy ven biển cho đủ 42,195km và quay về Sambódromo để về đích.
Lộ trình nội dung marathon tại Olympic Rio 2016. (Ảnh: Graphic News)
Trong số các vận động viên tham gia lần này, có đến 7 chân chạy nằm trong tốp 10 của mùa thế vận hội trước về đây tham chiến, bao gồm quán quân Stephen Kiprotich (Uganda), Meb Keflezighi (Mỹ), Marilson Dos Santos (Brazil), Cuthbert Nyasango (Zimbawe), Paulo Roberto Paula (Brazil), Henryk Szost (Ba Lan) và Ruggero Pertile (Ý). Đồng thời đương kim vô địch marathon thế giới 2015 Ghirmay Ghebreslassie (Eritrea) cũng có trong danh sách tranh tài.
Eliud Kipchoge trước đây nổi đình nổi đám trong danh sách nội dung 5.000m, từng xuất sắc đạt HCĐ và HCB tại Olympic Athens 2004 và Bắc Kinh 2008. Song, thành tích của anh không tiến mà thoái, thậm chí không thể lọt vào danh sách đại diện quốc gia tham gia Thế Vận Hội Luân Đôn 2012. Sau đó, Kipchoge đã chuyển sang nội dung marathon, trong khoảng thời gian từ năm 2013 đến 2016, anh liên tục giành lấy 6 tấm huy chương vàng của các giải major, đồng thời trở thành chân chạy nổi bật, được dự đoán sẽ có cơ hội chiến thắng tại Olympic Rio.
Ngày thi đấu hôm ấy diễn ra trong điều kiện thời tiết mưa nhẹ hạt, nhiệt độ 24 °C. Con số 155 là số vận động viên nhiều nhất trong lịch sử Olympic. Kết quả cuối cùng có 140 vận động viên hoàn thành đường chạy, và cũng là kỷ lục khá lớn trong lịch sử Thế Vận Hội (kỷ lục trước đó vào năm 1996, 124 tham gia, 111 người hoàn thành). Đồng thời, hội thao lần này cũng là lần có số lượng quốc gia tham dự nhiều nhất (79 quốc gia).
(Ảnh: Running Biji)
15km đầu, tốp dẫn đầu dường như luôn trong trạng thái chạy nhẹ và thư giãn, đây là tình huống thường thấy trong nội dung marathon tại Olympic, bởi nhiệt độ của ngày thi đấu hôm ấy khá nóng (mặc dù lần này sự kiện diễn ra ở khu vực Brazil, song nhiệt độ trung bình ở Rio cũng vào tầm 26oC, cái nhiệt độ không thích hợp tạo thành tích tốt cho nội dung chạy đường dài, thêm vào đó là những yếu tố về mặt chiến thuật khiến cho nhiều chân chạy lựa chọn phương pháp chạy chậm ở giai đoạn đầu, để dành thể lực chiến đấu và phân thắng bại ở khu vực về đích. Và cũng ở chính khu vực 15km, Kipchoge đã đẩy cao tốc độ, dẫn đoàn vào thế tấn công. Vốn dĩ có đến 62 vận động viên trong tốp đầu, sau nửa chặng đua chỉ còn sót lại 46 người, đến khu vực 25km, lại rớt thêm 9 người về sau. Bước vào 5km tiếp theo, tốp đầu bắt đầu tăng tốc, ngay cả quán quân Stephen Kiprotich và Ghirmay Ghebreslassie cũng không theo kịp.
Ở khu vực 29-30K, tốp đầu rút nhỏ lại, thậm chí quán quân thế giới Ghirmay Ghebreslassie cũng bị bỏ lại ở phía sau. (Ảnh: Youtube)
Sau khi qua mốc 30K, tốp đầu chỉ còn sót lại 8 vận động viên. Lúc này, chân chạy Ethiopia Lemi Berhanu và đồng hương Feyisa Lilesa đã liên hiệp đẩy tốc độ lên cao hơn nữa, và chỉ 2km sau đó, tốp đầu chỉ còn lại 4 người, trong đó có Kipchoge và Ganlen Rupp.
Tuy nhiên, được 1km sau đó, Berhanu rớt lại ở phía sau. Khi trận đấu đi vào cây số thứ 33, tốp đầu chỉ còn lại 3 vận động viên tiếp tục thẳng tiến về đích: 1 Ethiopia, 1 Kenya và 1 Mỹ.
Sau mốc 33K, Lemi Berhanu cũng đã rớt lại phía sau. (Ảnh: Youtube)
Tại khu vực tiếp nước nằm trên mốc 35K, Kipchoge đã bỏ lỡ năng lượng tiếp tế đặc biệt, thay vào đó là chỉ vơ được một chai nước, và Rupp cũng đã thay chiếc mũ thứ hai của mình, lấy năng lượng tiếp tế, giảm tốc và tiếp nước.
Trong khi đó, Lilesa luôn bám sát ngay phía sau Kipchoge, nhưng do bám quá sát dễ gây té ngã, Kipchoge đã ra dấu hiệu mời Lilesa lên chạy cùng, nhưng chân chạy Ethiopia không phản ứng, Kipchoge không vui và đã quyết định tăng tốc kéo giãn khoảng cách giữa mình và Lilesa ra.
Kipchoge ra dấu hiệu mời Lilesa lên trên chạy cùng để tránh nguy cơ té ngã do VĐV Ethiopia bám quá sát ngay phía sau. (Ảnh: Youtube)
Và ở khu vực viện bảo tàng “Tomorrow”, có một con lươn chữ S cùng với sự phủ chắn của tòa nhà, thông thường sau khi bo cua sẽ không còn thấy được người chạy phía trước, điểm này rất khó cho người chạy ở phía sau phán đoán khoảng cách giữa mình và người dẫn đầu để đưa ra chiến lược rượt đuổi.
Sau khi bị rớt lại ở phía sau, quán quân Vô Địch thế giới Ghebreslassie bắt đầu tăng tốc qua mặt nhiều người.
Vào khu vực 40K, Kipchoge lúc này đã dẫn trước Lilesa đến 36 giây, Rupp sau Lilesa 12 giây, và Ghebreslassie rượt lên ở vị trí thứ tư sau Rupp 59 giây.
2km cuối, Kipchoge đã tăng tốc và kéo khoảng cách lên 1 phút 10 giây, cán đích với thành thích 2 giờ 08 phút 44 giây, đạt huy chương vàng marathon nam. Về nhì là Lilesa, về ba là Galen Rupp, Ghebreslassie về tư.
Ngoài ra, một vận động viên người Mỹ khác, giáo sư môn thống kê của trường đại học Brigham Young University, Jared Ward xếp hạng 6, không biết ông giáo sư này có vận dụng kỹ thuật xác suất thống kê để có được thành tích tốt như vậy không nhỉ?!
Song song đó, lão tướng 41 tuổi Mỹ Meb, người đã từng đạt HCB marathon Athens, đã trượt ngã tại đích đến. Trước khi đứng dậy, Meb đã cho khán giả thưởng thức màn hít đất 2 nhịp ăn mừng về đích với nụ cười và cái vẫy tay ăn mừng về đích với thành tích không tồi 2 giờ 16 phút 46 giây (xếp hạng thứ 33).
Meb Keflezighi đã hít đất sau cú trượt ngã tại vạch đích. (Ảnh: Internet)
Mặc cho nhiệt độ ngày thi đấu hôm ấy khá cao, nhưng vẫn có đến 62 vận động viên hoàn thành cự ly với trong khung thời gian 2 giờ 20 phút. Tiêu chuẩn marathon quốc tế của các nước ngày càng được đẩy lên cột mốc cao hơn.
Một điểm nhấn khác đó là á quân Lilesa, trước khi cán đích, anh liên tục giơ hai cánh tay với tư thế bắt chéo vào nhau, ra dấu kháng cự chính phủ Ethiopia, thay lời tộc Oromo kêu cứu bởi sự thảm sát quân phiến loạn Oromo (bởi Lilesa cũng là người Oromo). Sau lễ bế mạc, Lilesa vô cùng lo sợ trở về nhà sẽ gặp phải điều trắc trở, nên đã rời khỏi đội quốc gia Ethiopia, trốn cho đến khi được phê chuẩn sang Mỹ lánh nạn. Sau 2 năm lánh nạn tại nước ngoài, Lilesa trở về Ethiopia vào năm 2018. Đây cũng là minh chứng cho thấy mối quan hệ mật thiết giữa chính trị và thể thao, một mối liên hệ khó có thể cắt đứt.
Á quân Lilesa và lời kêu cứu cho dòng tộc Oroma bị đồ sát bởi chính phủ Ethiopia. (Ảnh: Youtube)
Kết quả nội dung marathon nam tại Olympic Rio 2016:
(Ảnh: Biji Việt Nam)
Về phần các vận động viên châu Á, đáng nhắc đến là VĐV người Nhật Bản Kuniaki Takizaki đại diện cho Campuchia tham dự marathon tại Rio 2016. Mặc dù chiều cao khá khiêm tốn 1m45, nhưng Takizaki đã cho thấy được nghị lực theo đuổi và tham dự Olymic một cách phi thường, lần đầu tiên là anh chuyển sang quốc tịch Campuchia vào năm 2011, sau đó do điều kiện số năm định cư không hợp quy định nên đã không thể tiếp tục có mặt tại Olympic Luân Đôn năm 2012. Song 4 năm sau, vào 2016, do Campuchia không có một vận động viên nam nào đạt chuẩn tham dự tham dự Olympic, Takizaki đã nhận được tấm vé đặc biệt của BTC khích lệ các nước thành viên tham dự và chàng trai tí hon đã đại diện Campuchia đến tranh tài ở nội dung marathon nam, thế là “viên mãn ước mơ Olympic” của mình.
Nghệ sĩ Takizaki đại diện Campuchia thi đấu tại nội dung marathon ở Olympic Rio 2016. (Ảnh: Khmer Times)
Mặc dù chiều cao khiêm tốn, và thành tích PB của anh không hề kém tí nào 2 giờ 27 phút 48 giây (Tokyo marathon 2015), mặc dù lúc ấy anh đã 39 tuổi, nhưng vẫn hoàn thành đường chạy marathon tại Thế Vận Hội với thời gian 2 giờ 45 phút 55 giây. Mặc dù anh xếp áp chót trong bảng tổng sắp, nhưng tinh thần theo đuổi ước mơ của anh khiến nhiều người phải khâm phục. Sau khi về đích, Takizaki đã dung tài năng nghệ nhân của mình để tạo làn song tương tác với các cổ động viên, mang lại một bầu không khí thư giãn cho giải đua marathon khắc nghiệt.
Takizaki không dừng lại ở đó, vào ngày 6/3/2022, mặc dù đã bước vào tuổi 44, nhưng anh chàng tí hon này đã tạo được thành tích kề sát PB của mình tại Tokyo Marathon 2021 với thời gian 2 giờ 29 phút 10 giây. Quả thực là một nghệ nhân “không cao nhưng lại khiến nhiều người phải ngẩng cao đầu nhìn anh và khâm phục.” Chỉ có thể nói rằng “Quá tuyệt marathon ơi!!!!!!”.
Theo Running Biji
Ảnh đại diện: wiki