[Ngừa chấn thương] Ngoài uống và chích thuốc, hướng dẫn cách “tự phục hồi” viêm cân gan chân đơn giản

Nam N. Phung
Đăng ngày 27/02/2020
1,005 Lượt xem
Người yêu thích
Thêm vào yêu thích

(Nguồn ảnh: Hiểu nhanh Y Học Gia Đình

Viêm cân gan chân là một vấn đề rất thường gặp và là nguyên nhân phổ biến nhất gây đau gót chân ở người trưởng thành. Viêm cân gan chân có liên quan đến cân nặng, đi hoặc đứng thường xuyên trong một thời gian dài và loại hình thể thao tập luyện. Mặc dù hầu hết các triệu chứng viêm cân gan chân sẽ giảm dần theo thời gian, nhưng một khi xuất hiện thì sẽ gây nên đau đớn khó chịu. Khi bị viêm cân gan chân, ngoài việc gặp bác sĩ lấy thuốc giảm đau tạm thời, còn phải đặc biệt chú ý đến những khía cạnh khác trong cuộc sống, hay tự tập các bài tập căng giãn tại nhà cũng có thể giúp giảm đau hiệu quả.

Bài viết này cũng đặc biệt mời Tiến sĩ Chen Yujie, Trưởng khoa chỉnh hình bệnh viện Đài Nam chia sẻ cho độc giả nhiều kinh nghiệm chuyên môn.

(Nguồn ảnh: Hiểu nhanh Y Học Gia Đình)

Viêm cân gan chân là một hiện tượng rất phổ biến, với xác suất 10% xảy ra ít nhất một lần trong đời, đặc biệt là ở phụ nữ trong độ tuổi từ 40 đến 60. “Gân mặt bàn chân” (plantar fascia) là một dải cân dày (fascia) xuất phát từ gót chân, kết nối đến đầu các xương đốt bàn chân (metatarsal head), giúp hỗ trợ chống đỡ theo chiều dọc cho vòm bàn chân. Viêm cân gan chân là do sử dụng quá nhiều loại fascia này, dẫn đến hiện tượng thoái hóa.

Các điều kiện có khả năng gây viêm cân gan chân bao gồm: thừa cân (BMI> 27 kg/m2), cơ lòng bàn chân hoặc bắp chân quá căng, hai chân ngắn dài không đều, bàn chân lõm (pes cavus) , bàn chân bẹt (pes planus), góc gập mu bàn chân (dorsiflexion) không đủ, v.v. Ngoài ra, khi chạy quá nhiều, nghề nghiệp đòi hỏi phải đứng lâu hoặc đi bộ dài, hoặc lối sống lười vận động cũng liên quan đến viêm cân gan chân. Muốn cải thiện tình hình cần phải thay đổi hoặc tránh những thói quen có hại hằng ngày.

Bệnh nhân viêm cân gan chân thường bị đau ở vị trí phía trước gót chân. Một điểm đau khác có thể xuất hiện ở gốc các ngón chân. Triệu chứng điển hình nhất là khi bước xuống giường vào buổi sáng, bàn chân sẽ cực kỳ đau. Điều đó có nghĩa là, sau một thời gian không vận động, gót chân sẽ bị đau sau khi bắt đầu di chuyển lần đầu tiên, nhưng sẽ đỡ đau hơn sau khi tiếp tục đi bộ một lúc. Nhưng cơn đau đớn có thể tái phát vào lúc cuối ngày.

(Nguồn ảnh: Hiểu nhanh Y Học Gia Đình)

Có nhiều phương pháp điều trị viêm cân gan chân bao gồm: điều chỉnh loại hình tập thể thao, uống thuốc giảm đau, tự phục hồi chức năng và các phương pháp khác.

  • Đầu tiên, nghỉ ngơi và chườm đá có thể giúp giảm đau.
  • Chú ý đến những hoạt động gây nên đau đớn hoặc khiến tình trạng trở nên nghiêm trọng. Chẳng hạn như đứng trong thời gian dài, đi bộ, chạy bộ quá mức, nhảy, mang vác vật nặng, v.v ... Nên tránh thực hiện những hoạt động này.
  • Đừng đi chân trần hoặc đi dép trên các bề mặt cứng. Hãy mang giày thể thao hỗ trợ lòng bàn chân.
    Thuốc giảm đau được khuyến cáo chỉ nên sử dụng trong thời gian ngắn. Dùng lâu dài sẽ không còn hiệu quả nhiều và phải cân nhắc đến các tác dụng phụ.
  • Bạn có thể thực hiện một số bài tập phục hồi chức năng tại nhà. Ngoài ra, hãy sử dụng miếng đệm lót hỗ trợ vòm chân để giúp giảm đau hiệu quả hơn. 
  • Những phương pháp điều trị khác bao gồm
  • Sử dụng băng cuốn bảo vệ gan bàn chân, giúp giảm căng cứng cân gan chân, hỗ trợ giảm đau.
  • Phương pháp sóng xung kích ngoại bào sử dụng sóng cơ học để phá hủy các mô dính cục bộ và thúc đẩy quá trình tái tạo tế bào. Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng phương pháp này có thể cải thiện cơn đau do viêm cân gan chân, nhưng trong những phân tích toàn diện lại cho  thấy nó không có tác dụng đáng kể. Nhưng vì cường độ  sử dụng trong mỗi nghiên cứu là khác nhau, nên cần có nhiều nghiên cứu hơn.
  • Phương pháp tiêm có thể được thực hiện với steroid hoặc tiêm máu tự thân PRP (huyết tương giàu tiểu cầu platelet-rich plasma). Tiêm steroid bằng sóng siêu âm có thể giúp giảm đau hiệu quả tức thời, nhưng nếu sử dụng phương pháp này quá nhiều có thể gây vỡ cân gan chân hoặc làm teo lớp mỡ đệm. Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng phương pháp PRP có thể giúp giảm đau nhanh chóng sau khi sử dụng, nhưng hiệu quả chưa được xác nhận rộng rãi. Phương pháp tiêm máu toàn phần đơn giản và rẻ hơn, và hiệu quả cũng có thể tương tự như PRP. 

(Nguồn ảnh: Hiểu nhanh Y Học Gia Đình)

Những người bị viêm cân gan chân có thể thực hiện một số bài tập phục hồi chức năng tại nhà. Tập thả lỏng cân gan bàn chân rất thích hợp để giảm đau, sau 8 tuần có thể giảm đi một nửa đau đớn. Cũng có thể tập luyện gân bắp chân để cải thiện tình hình, sẽ giảm được 1/5 đau nhức sau 8 tuần.
Để thư giãn cân gan bàn chân, trước tiên hãy ngồi lên ghế, gác chân bị đau lên chân còn lại. Dùng tay (cùng bên với chân bị đau) nắm vào gốc các ngón chân của bàn chân đau. Kéo ngón chân về phía mu bàn chân. Lúc này sẽ cảm thấy lòng bàn chân căng cứng. Tiếp theo, dùng tay còn lại để ấn vào cân gan bàn chân để xem nó có thực sự được căng giãn không. Duy trì tư thế này trong 10 giây và sau đó thả lỏng. Lặp lại 10 lần, mỗi ngày thực hiện 3 lần. Bạn cũng có thể dung phương pháp giẫm trên banh tennis để thay thế.

Để thư giãn bắp chân, bạn có thể thực hiện các bài tập lunge. Chống tay lên tường, một chân co đầu gối bước về phía trước, duỗi thẳng chân còn lại. Hai bàn chân song song hướng thẳng về phía trước. Duy trì tư thế này trong 2 phút sau đó thả lỏng. Luân phiên mỗi chân 3 lần. Tập 3 lần một ngày.

(Nguồn ảnh: Hiểu nhanh Y Học Gia Đình)

Ngoài việc thư giãn cân gan bàn chân và cơ bắp, bạn cũng có thể áp dụng những động tác tự hồi phục tại nhà sau đây.

Chuẩn bị một chiếc khăn lông, cuộn lại và đặt lên bậc thang hoặc bục cao. Giẫm các ngón chân của chân bị đau lên khăn, các ngón chân hướng lên trên. Tay giữ chặt một điểm tựa, nhấc chân còn lại lên khỏi mặt đất. Hạ gót chân bị đau xuống 3 giây, sau đó nhấc lên 3 giây, sau khi nhón lên hết mức thì duy trì trong 3 giây. Lặp lại động tác 12 lần, mỗi 2 ngày tập 1 lần. 

Còn một cách khác đơn giản hơn. Trải khăn trên sàn, giẫm chân bị đau lên khăn. Dùng ngón chân kẹp khăn lại, sau đó thả lỏng. Lặp lại động tác “kẹp chặt” và “thả lỏng” trong 1 đến 2 phút.  Thực hiện hai lần một ngày.

Tập thể dục phục hồi chức năng tại nhà có thể giúp giảm đau viêm cân gan chân nhanh và hiệu quả! Hãy chăm chỉ tập luyện mỗi ngày!


[Bài viết được đăng dưới sự cho phép của Hiểu nhanh kiến thức y học , nguồn bài viết: Running Biji]