(Nguồn ảnh: 123RF)
Tiết trời vào thu khó có thể lường trước, nóng lạnh thất thường. Biên độ biến đổi của nhiệt độ là khá lớn làm cho cơ thể chúng ta dễ bị cảm lạnh. Cảm lạnh không những gây nên những khó chịu trong cơ thể, mà còn ảnh hưởng đến thói quen tập thể dục bình thường của chúng ta. Những mẹo vặt trong dân gian như đắp mền cho kín vào để cơ thể đổ mồ hôi thì sẽ hết bệnh. Liệu cách này có hoàn toàn trị khỏi 100% bệnh cảm của bạn không? Hãy để bác sĩ Dr.6 (Lưu Hữu Toàn) chia sẻ kinh nghiệm của bản thân và bổ sung cho bạn thêm một ít kiến thức hữu ích về mối liên hệ giữa bệnh cảm và hoạt động thể chất nhé!
Theo kinh nghiệm của Dr.6, ông thường ra nước ngoài chăm sóc các tuyển thủ, khoảng 40% nhập viện do cảm lạnh
Dr.6 là người thường xuyên tiếp xúc với các tuyển thủ, ông cũng đã từng nhiều lần tham gia vào đội ngũ y tế trong các giải đua lớn, ông cho hay đội ngũ bác sĩ thường giải quyết những vấn đề thường xuyên xảy ra không phải là các loại chấn thương mà là vấn đề cảm lạnh của các vận động viên. Khá nhiều tuyển thủ trước khi thi đấu do tập luyện quá sức, khiến cho hệ miễn dịch yếu đi, hoặc quá nhiều lo lắng và áp lực làm cho họ bị cảm lạnh, thậm chí phát sốt. Theo lời bác sĩ thì các tuyển thủ và huấn luyện viên thường không xem trọng bệnh cảm lạnh cho lắm, nhưng trên thực tế thì cảm lạnh ảnh hưởng vô cùng lớn đến biểu hiện của vận động viên.
(Nguồn ảnh: Trung tâm Y tế thể thao của Dr.6)
Khi bị cảm, hiệu suất vận động của bạn sẽ xuống dốc, và tỉ lệ bỏ cuộc giữa chừng cũng tăng lên gấp đôi
Một nghiên cứu về các vận động viên chạy đường dài vào năm 2016 cho thấy, có khoảng 19% vận động viên mắc phải cảm lạnh trước giải đấu từ một đến hai tuần, khoảng 7.5% sẽ có triệu chứng rõ rệt trên toàn thân, và đây được gọi là cảm lạnh nặng (sốt, đau cổ họng, chảy nước mũi, toàn thân đau nhức, đau khớp, v.v). Những vận động viên bị cảm nặng thông thường có nguy cơ bỏ cuộc gấp bội so với các vận động viên khác.
Nghiên cứu này còn chứng minh rằng những người bị cảm sẽ có biểu hiện vận động kém đi, bao gồm:
- Sức mạnh cơ bắp yếu đi (5-15%)
- Sức bền cơ kém đi (13-18%)
- Năng lượng cung cấp cho các mô cơ cũng giảm đi hẳn
- Năng lưc kiểm soát cơ của các dây thần kinh cũng giảm đi khá nhiều
- Sức bền xuống dốc (25%)
Khi bị cảm nặng mà còn tập nặng có thể sức khỏe sẽ phải trả giá đắt
(Nguồn ảnh: 123RF)
Bác sĩ Dr.6 lắc đầu than thở đối với những tin đồn như khi bị cảm thì nên tập luyện cực lực vào để đổ mồ hôi tăng cường tốc độ phục hồi cho cơ thể. Khi bị cảm nặng mà còn tập quá sức không những không giúp ích cho tốc độ phục hồi sức khỏe mà càng có khả năng dẫn đến nhiều nguy hại cho sức khỏe hơn.
1. Chức năng điều tiết nhiệt độ bất thường:
Khi bị cảm thì chức năng điều chỉnh nhiệt độ của cơ thể sẽ thay đổi, đây cũng chính là lý do vì sao chúng ta có thể bị sốt. Tuy nhiên, chế độ tự động nâng cao nhiệt độ của cơ thể có tác dụng ức chế sự sinh trưởng của các vi khuẩn, nhưng trong trường hợp rối loạn nhiệt độ thì cũng có thể gia tăng nguy cơ sốc nhiệt hoặc các chấn thương khác.
2. Niêm mạc đường hô hấp bất thường:
Tập thể dục khi bị cảm có thể sẽ làm tăng tính nhạy cảm của phế quản và niêm mạc tiểu phế quản, điều đó có nghĩa là chúng ta sẽ dễ dị ứng với các hạt li ti trong không khí. Ngoài các cơn hen suyễn bộc phát, đối với những người không có tiểu sử hen suyễn vẫn có triệu chứng khó thở. Vận động khi bị cảm không những không làm thuyên giảm bệnh tình của bạn mà còn làm cho căn bệnh này kéo dài khó dứt hơn.
3. Chức năng bất thường của hệ tiêu hóa:
Cảm lạnh dạng đường tiêu hóa thường đi kèm với tình trạng tiêu chảy, làm cho cơ thể mất nước, chất điện giải, nghiêm trọng hơn sẽ làm rối loạn chức năng thận và rối loạn nhịp tim.
4. Sự bất thường của thần kinh cơ:
Khi bị cảm, cơ bắp chịu ảnh hưởng của virus, làm cho khả năng hấp thụ chất dinh dưỡng và năng lượng của chúng cũng kém đi. Trong trường hợp này nếu vẫn tiếp tục tập luyện với cường độ cao sẽ dễ đến hiện tượng tiêu cơ vân. Do sức mạnh cơ bắp, sức bền cơ, chức năng kiểm soát của cơ bắp đều bị ảnh hưởng khi bạn bị bệnh, cho nên vận động trong trường hợp này dễ dẫn đến các chấn thương không đáng.
5. Chức năng bất thường của thận:
Cơ thể dễ rơi vào tình trạng mất nước kéo theo hàm lượng chất điện giải bị mất đi khi bị cảm. Nếu như xuất hiện hiện tượng tiêu cơ vân song song với nó thì sẽ gây tổn thương thận cấp tính, thậm chí suy thận.
6. Chức năng bất thường của hệ tim mạch
Những bất thường nghiêm trọng liên quan đến chất điện giải có thể sẽ dẫn đến rối loạn nhịp tim. Virus cảm cũng có thể gây viêm cơ tim hoặc viêm nội tâm mạc, những tình trạng này đều có thể làm cho thể lực của vận động viên kém đi, và trong trường hợp nghiêm trọng thậm chí có thể đe dọa tính mạng của họ.
7.Sưng lá lách:
Khi bị cảm thì lá lách có thể bị sung lên, nên khi tiến hành các môn thể thao như đá bóng, chơi bóng rổ hay những va chạm trong khi vận động đều có nguy cơ dẫn đến tình trạng nứt rách lá lách.
Khi bị cảm nhẹ bạn vẫn có thể duy trì mức độ vận động phù hợp cho cơ thể, nhưng phải chú ý đến những tín hiệu cảnh báo của cơ thể
(Nguồn ảnh: 123RF)
Dựa trên các lý do nêu ở phía trên, bác sĩ Dr.6 khuyên bạn không nên vận động khi bị cảm, đặc biệt là khi toàn bộ cơ thể đều xuất hiện triệu chứng của bệnh cảm thì bạn nên dừng ngay các bài tập ở cường độ cao. Trong trường hợp bệnh đã thuyên giảm, bạn nên chú ý đến các triệu chứng của vận động viên và biểu hiện của họ, từng bước từng bước tiến hành nâng cường độ tập lên; trong trường hợp vận động viên xuất hiện các triệu chứng khó chịu thì nên điều chỉnh ngay lập tức. Mặc dù hiện tại vẫn chưa có một tiêu chuẩn tập luyện nào để có thể áp dụng trong trường hợp vận động viên bị cảm, nhưng tốt nhất là nên khuyến khích họ nói rõ những triệu chứng của mình một cách khách quan. Đề nghị các huấn luyện viên điều chỉnh nội dung tập luyện phù hợp với tình trạng sức khỏe của vận động viên.
Đương nhiên, ý của bác sĩ không phải là bắt buộc bạn phải dừng ngay hoàn toàn các lịch tập của mình. Đối với những người yêu thể thao, thì khi bị cảm nhẹ bạn vẫn có thể tập luyện một cách an toàn với những bài tập ở cường độ trung cấp, nhưng bạn phải căn cứ vào tình trạng sức khỏe của mình. Nếu xuất hiện các triệu chứng như chóng mặt, tim đập nhanh, tức ngực hoặc khó chịu thể chất khác thì nên dừng ngay và tìm đến sự trợ giúp của các chuyên gia y tế. Đối với cảm lạnh kèm theo sốt, hoặc đau nhức toàn thân hoặc các triệu chứng nghiêm trọng của đường hô hấp ở giai đoạn cảm nặng, bác sĩ khuyên các bạn nên nghỉ dưỡng tại gia cho đến khi hết bệnh mới bắt đầu tập luyện trở lại.
[Nguồn bài viết: Running Biji]