[Kiến Thức] Chạy Bộ Có Thực Sự Có Hại Cho Đầu Gối Và Làm Bắp Chân Thô Ra?

Bảo Hân
Đăng ngày 27/04/2021
7,075 Lượt xem
Người yêu thích
Thêm vào yêu thích

Ảnh: Heho健康

Chúng ta đều biết rằng chạy bộ là một môn thể thao tuyệt vời, đặc biệt là thể loại chạy chậm (jogging), nó có thể giúp cơ thể đốt đi những năng lượng thừa, giúp giảm béo, cải thiện chức năng tim phổi và sức bền của cơ bắp, đồng thời còn giúp rèn luyện hệ xương, và hạn chế các căn bệnh tim mạch, thậm chí chạy bộ còn có thể đánh tan xì trét, nâng cao khả năng chống chọi căng thẳng của người tập. Nói chung, bạn khó có thể đếm xuể những lợi ích của chạy bộ mang lại cho chúng ta, tính cho đến nay nó đã trở thành bộ môn phổ biến và yêu thích của mọi lứa tuổi. Và phong trào chạy của người dân Việt Nam cũng đang trên đà phát triển nở rộ, số lượng người chạy bộ thường xuyên và tham gia sinh hoạt tại các câu lạc bộ, hội hay nhóm chạy đã tên lên một cách đáng kể, trong khoảng thời gian khá ngắn ba năm từ 2014 đến 2017, số người chạy từ khoảng 100 người đã tăng lên đến vài nghìn người.

Bốn lời đồn hư cấu về chạy bộ

Trong thời đại công nghệ phát triển không ngừng ngày nay, chúng ta thường hay tìm thấy những lời đồn không nghiệm chứng trong thế giới Internet về chạy bộ, do đó nhiều người vẫn luôn thắc mắc về bộ môn thể thao này, thậm chí cho rằng chạy bộ thực sự không tốt cho sức khỏe. Hôm nay, ad xin tổng hợp và phân tích những lời đồn hư cấu này giúp các bạn hiểu thêm về thực hư của việc chạy bộ.

1. Chạy bộ sẽ làm bắp và đùi thô đi:

Trên thực tế, ad tin rằng khi nghe nói “Chân sẽ thô hơn khi chạy bộ”, thì không biết bao nhiêu người có hứng thú với bộ môn này đã không khỏi hoảng sợ và từ bỏ việc bước chân vào làm quen với nó. Nếu như chạy bộ thực sự làm cho chân bạn trở nên thô hơn, như “quả bắp chân cà rốt”, thì mình cũng xin khẳng định một điều rằng những bạn nữ yêu thích vẻ đẹp đường cong cơ thể đều ngừng chạy hết rồi.

Chạy bộ, đặc biệt là chạy chậm (jogging) thực sự có tác dụng làm cho cơ bắp chân trở nên cứng nhắc, do đó bạn cần phải giãn cơ (stretching) sau mỗi lần chạy, mục đích là giúp cơ bắp toàn thân thả lỏng và trở về trạng thái bình thường trước đó. Tuy nhiên, kích cỡ to nhỏ của bắp chân không hề liên quan đến việc giãn cơ mà có mối liên hệ mật thiết với hình dạng cơ bắp, đối với những người không thuộc tốp vận động viên thì hình dạng cơ bắp thường chịu sự tác động của yếu tố di truyền.

Ad xin nhấn mạnh với các bạn rằng, chạy bộ liệu có làm chân bạn thô hơn không, câu trả lời này thực sự liên quan đến tốc độ chạy: khi thực hiện chạy nước rút, nó sẽ rơi vào trường hợp vận động yếm khí, do đó bắp chân dễ xuất hiện cơ bắp, điều này có thể thấy rõ ở những vận động viên chạy nước rút, họ thường sở hữu một đôi chân chắc nịch và khá thô. Nhưng ngược lại ở những người chạy đường dài như các marathoner, họ chạy nhờ vào sức bền, do đó đôi chân của họ rất thon. Từ đó có thể thấy được, chạy đường dài không những không làm thô chân bạn mà còn được ví như một cách giảm cân tạo vóc dáng cho đôi chân.


2. Chạy bộ làm tổn thương đầu gối:

Có lẽ bạn thường nghe người khác đồn rằng chạy đường trường dễ làm chấn thương đầu gối do khớp gối phải gánh một cân nặng gấp ba lần cơ thể trong khi chạy. Cách nói này thoạt nghe có vẻ chí lý lý lắm! Tuy nhiên, quan niệm chính ở đây là, nếu như đầu gối của bạn vốn đã bị chấn thương thì việc nên chạy hay không cần phải hỏi ý kiến bác sĩ, nhưng nếu bạn sở hữu một khớp gối khỏe mạnh thì việc chạy đường trường tuyệt đối không làm tổn hại khớp gối của bạn đâu nhé!

Một nghiên cứu kéo dài 18 năm của trường đại học Stanford (bang California, Mỹ) từ năm 1984 trên các đối tượng runner cho kết quả như sau: hiện tượng viêm khớp xuất hiện ở người chạy với tỷ lện 20%, so với những người không chạy bộ là 32%. Thêm vào đó, những người thường xuyên chạy bộ có một hệ thống cơ xương khỏe mạnh hơn so với người cùng độ tuổi. Từ đó có thể thấy được, chạy chậm (jogging) không phải là nguyên nhân gây nên viêm khớp gối, mà ngược lại có thể thúc đẩy quá trình trao đổi chất của hệ thống xương khớp, làm cho chúng khỏe mạnh hơn.

Song chúng ta vẫn thường nghe nói rằng có một số người bị chấn thương đầu gối do chạy bộ, trên thực tế thì nguyên nhân chính gây ra chấn thương này có thể do: chạy quá nhanh, khối lượng chạy quá tải, khởi động không đầy đủ, sân tập không phù hợp, giày chạy không phù hợp. Chính những nguyên nhân này dẫn đến chấn thương sụn khớp hoặc dây chằng. Mặc dù có những minh chứng của khoa học rằng chạy bộ không làm tổn thương khớp gối, nhưng tốt hơn hết bạn cần phải tự lường sức mình, thiết kế bài tập chạy phù hợp với tình trạng thể lực của bản thân.


3. Chạy bộ phải chạy trên 30 phút mới có thể đốt cháy mỡ thừa?

Ad từng thấy khá nhiều những thắc mắc thuộc thể loại này: 30 phút đầu chỉ là giai đoạn đốt các chất đường trong cơ thể, sau đó mới bắt đầu đi vào giai đoạn đốt mỡ thừa, cho nên việc chạy bộ chỉ trong 30 phút không hề có tác động gì trên những lớp mỡ thừa trong cơ thể.

Cách nói này không hề qua bất cứ minh chứng gì của khoa học, đồng thời cũng hoàn toàn không hợp lô gíc trong suy luận. Trên thực tế, lượng đường và mỡ trong cơ thể chúng ta đều thay phiên nhau liên tục trong quá trình tạo năng lượng cung cấp cho cơ thể, điều này cũng có nghĩa là, không có lý do gì mà khi vận động thì quá trình tạo năng lượng phải đi theo trình tự đốt đường trước rồi mới đến mỡ thừa.

Bạn cần phải biết rõ một điều là: khi chúng ta thực hiện những bài tập ở cường độ thấp, quá trình đốt mỡ sẽ có tỷ lệ cao hơn đốt đường tạo năng lượng; và trong tình huống tập luyện ở cường độ cao thì quá trình đốt đường tạo năng lượng sẽ chiếm tỷ lệ cao hơn. Đây cũng chính là lời giải thích vì sao các chuyên gia thường kêu gọi những người muốn giảm cân nên thực hiện các bài tập ở cường độ thấp và trung bình.

Giảm cân chủ yếu là phải làm mọi cách thúc đẩy cơ thể hoạt động, như vậy mới có thể tiêu hao những năng lượng thừa trong cơ thể. Trên thực tế, chỉ cần vận động thì mỡ trong cơ thể đều có thể bị đốt cháy, và nếu thời gian tập luyện càng dài thì quá trình đốt mỡ thừa càng hiệu quả, chứ không nhất thiết phải tập luyện liên tục trong mốc thời gian quy định 30 phút.


4. Chạy bộ không giúp chúng ta gầy đi

Những người treo câu nói này trên cửa miệng cần phải suy ngẫm nhiều về câu nói này, họ nên tự hỏi bản thân rằng liệu tần suất tập luyện của họ có thường xuyên hay không? Đối với những người một tuần chạy từ 2-3 ngày, và mỗi bữa tập của họ không dài quá 10 phút thì hiển nhiên là cách tập luyện này không hề hiệu quả tí nào, đặc biệt đối với những người muốn giảm cân.

Nói tóm lại, việc chạy chậm (jogging) khoảng 30 phút có thể giúp đốt cháy khoảng 250 kcal, và nếu bạn muốn giảm 1 ký mỡ thừa thì ít nhất bạn cũng phải chạy đủ 15 tiếng, điều đó có nghĩa là bạn phải chạy liên tục trong vòng một tháng thì mới có thể đạt được mục tiêu này. Nhưng nếu sau khi chạy, bạn không biết cách điều chỉnh chế độ ăn uống của mình, thì ngược lại sẽ nạp vào nhiều năng lượng hơn, lúc này đây bạn chạy bộ cũng như không, đương nhiên là không giảm được cân thì cũng không tài nào ốm đi được.

Khá nhiều người sau khi tập chạy được một thời gian rồi mà vẫn gặp phải tình trạng “Đụng tường”, tức là cân năng không nhích xuống thêm tí nào nữa, hiện tượng này cũng có thể do cơ thể bạn đã bắt đầu thích nghi với tốc độ chạy hiện tại, do đó bạn cần phải điều chỉnh tốc độ chạy bằng nhiều cách, chẳng hạn thực hiện các bài chạy biến tốc (chạy nhanh và chậm xen kẽ trong buổi tập), hoặc có thể đổi thành những bài tập aerobic, hay nhảy dây, nhằm giúp cơ thể làm quen với những bài tập ở cường độ và tốc độ khác nhau.

Cuối cùng, ad mong rằng sau bài đọc này, bạn sẽ có được những quan điểm đúng đắn về chạy bộ hơn. Đừng để những lời đồn sai lầm về chạy bộ ngăn bước bạn tìm hiểu môn thể thao tuyệt vời này.

Nguồn bài viết: Running Biji