[Giảm cân] Có thể giảm cân bằng các chất thay thế đường? Liệu chúng có nguy cơ gây ung thư?

hong
Đăng ngày 24/02/2020
1,039 Lượt xem
Người yêu thích
Thêm vào yêu thích

(Nguồn ảnh: Chăm sóc online)

Thích ăn ngọt là bản năng của con người. Hàng trăm năm trước, đường là một sản phẩm xa xỉ và chỉ những người giàu mới có thể mua được, người nghèo dĩ nhiên khó có thể với tới loại sản phẩm đắt tiền này, do đó họ cũng ít gặp phải những tác hại sức khỏe do đường gây nên. Tuy nhiên, khi gần bước sang thế kỷ 21, đồ uống có đường và đồ ngọt trở nên cực kỳ phổ biến. Cứ cách vài bước chân là có thể tìm thấy một cửa hàng đồ uống, và cứ sau vài tháng, trên thị trường sẽ xuất hiện rất nhiều sản phẩm mới lạ với hàm lượng đường khá cao.

Hàm lượng đường càng cao thì càng không tốt cho sức khỏe, làm rối loạn sự sự kiểm soát cảm xúc và lượng đường trong máu. Lượng đường dư thừa sẽ được chuyển hóa thành chất béo, tích tụ trong bụng, đùi, cằm, v.v. Mặc dù ngày càng có nhiều người nhận ra rằng các loại thực phẩm chứa quá nhiều đường sẽ có hại cho cơ thể, nhưng đa phần chúng ta đều nghiện các loại đồ ngọt này. Thực phẩm và đồ uống nếu không thêm đường sẽ không tạo cảm giác ngon miệng. Để đáp ứng nhu cầu cắt giảm lượng đường của người tiêu dùng, nhiều doanh nghiệp đã sử dụng những chất tạo vị ngọt thay thế đường để cho ra đời những sản phẩm như coca cola không calo, kẹo không sử dụng đường mía, v.v. Chủ yếu là những sản phẩm với lượng calo thấp, giúp người tiêu dùng yên tâm hơn khi sử dụng.

Vì vậy, trong những năm qua, mặc dù mọi người đều nghĩ đến việc giảm đường trong khẩu phần ăn, nhưng nhu cầu về chất tạo vị ngọt trên thị trường vẫn cứ tăng lên đều đều. Nhưng liệu những chất tạo ngọt và những chất thay thế đường sẽ có ảnh hưởng gì đến cơ thể con người? Chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu.


Đường ăn

Trước khi tìm hiểu về các chất thay thế đường, chúng ta hãy làm quen với đường ăn, chủ yếu là đường mía (đường sucrose). Bất kể đó là đường phèn, đường cát trắng hay đường đen, thì sucrose vẫn là thành phần chính. Sau khi sử dụng, những loại đường này sẽ bị phân hủy thành đường glucose và đường fructose, được hấp thụ ở ruột non, duy trì lượng đường trong máu và tích trữ calo ( nhiệt lượng).

(Nguồn ảnh: Chăm sóc online)

Các chất thay thế đường
Là những sản phẩm có vị ngọt nhân tạo được sử dụng thay thế cho đường. Chúng là những chất làm ngọt có hàm lượng calo thấp. Tuy nghe đến từ đường "tổng hợp nhân tạo" sẽ khiến mọi người có cảm giác không an tâm vì không phải là nguồn đường mía tự nhiên, nhưng trong thực tế những chất tạo vị ngọt này đã được sử dụng rộng rãi trong đồ uống có ga, bánh ngọt, thạch rau câu, bánh pudding, kẹo, thực phẩm đóng hộp, sữa chua, sữa tươi và các sản phẩm từ sữa khác.

Ngoài chất làm ngọt nhân tạo, bạn cũng có thể đã nghe đến chất làm ngọt "tự nhiên". Những loại chất thay thế đường này có nguồn gốc từ thảo mộc hoặc các dẫn xuất từ đường. Mặc dù nguyên liệu thô nghe có vẻ tự nhiên, nhưng quá trình chế biến lại không tự nhiên, và cũng không hẳn là tốt hơn những loại đường nhân tạo khác.

(Nguồn ảnh: Chăm sóc online)

Dưới đây, chúng ta sẽ cùng làm quen với một số chất thay thế đường phổ biến nhất.

1. Aspartame
Độ ngọt gấp khoảng hai trăm lần so với đường sucrose. Nước ngọt Coca Cola dành cho người ăn kiêng (Diet Coke) có chứa đường aspartame. Vì vậy aspartame là một chất thay thế đường rất nổi tiếng. Trước kia, đã từng có những tổ chức đề cập đến khả năng gây ung thư của đường aspartame. Nhưng sau rất nhiều nghiên cứu, không có bằng chứng nào cho thấy aspartame có thể gây ung thư não. Tuy nhiên, nhiều người tiêu dùng hay phàn nàn về việc bị đau đầu sau khi sử dụng aspartame. Nếu bị đau nửa đầu, hãy cân nhắc việc ngừng sử dụng aspartame. Những người mắc bệnh Phênylkêtô niệu cũng không nên sử dụng aspartame.

2. Stevia
Có độ ngọt gấp khoảng hai đến ba trăm lần so với đường sucrose. Đây là một chất thay thế đường tương đối nổi tiếng gần đây. Stevia được biết đến như một chất làm ngọt tự nhiên, được sử dụng trong dòng sản phẩm cola nhãn xanh. Mặc dù Stevia có nguồn gốc từ thực vật, quá trình chiết xuất và tinh chế lại rất không tự nhiên do phải sử dụng đến nhiều dung môi hóa học mới thu được đường stevia. Nhật Bản và Nam Mỹ là hai quốc gia thường sử dụng đường stevia cho thực phẩm và đồ uống.  

3. Sucralose
Độ ngọt gấp khoảng sáu trăm lần so với sucrose. Sucralose là một chất làm ngọt được chế biến từ dẫn xuất của đường sucrose. Sucralose có hương vị gần với sucrose, vì vậy nó là chất thay thế đường được sử dụng phổ biến nhất. Sucralose hiện đang được sử dụng rộng rãi trong chế biến thực phẩm như nước giải khát, si-rô, các sản phẩm từ sữa, mứt, vv. Về sau khi nhìn thấy bảng thành phần thực phẩm có chứa "sucralose", bạn đừng nghĩ đó là đường sucrose. Hãy nhớ rằng đây là chất làm ngọt nhân tạo.

4. Saccharin

Saccharin là chất làm ngọt nhân tạo đầu tiên được vô tình tổng hợp vào đầu thế kỷ 19, với độ ngọt gấp khoảng 300 đến 400 lần so với đường sucrose. Sau khi nếm các loại thực phẩm có chứa saccharin, lưỡi sẽ có dư vị đắng và vị kim loại. Sau khi sử dụng một số loại thuốc, kẹo, bánh quy, nước giải khát, và bạn cảm thấy lưỡi có vị kim loại, rất có thể những sản phẩm đó có chứa saccharin.

Vào những năm 1970, một thí nghiệm đã chỉ ra rằng saccharin gây ung thư bàng quang ở chuột, vì vậy lúc đó những thực phẩm có chứa saccharin cần phải được dán nhãn cảnh báo. Nhưng sau nhiều năm nghiên cứu, hiện nay người ta tin rằng sử dụng saccharin với liều lượng bình thường sẽ không gây ung thư và cũng không đem lại những rủi ro cho sức khỏe. Vì vậy các sản phẩm chứa saccharin thời điểm hiện tại không cần phải được dán nhãn cảnh báo.

5. Neotame
Độ ngọt gấp tám nghìn lần so với đường sucrose và tính chất hóa học ổn định hơn đường aspartame, nên thường được sử dụng trong các sản phẩm đóng hộp cần gia nhiệt. Hiện tại Neotame đã được sử dụng rộng rãi trong chế biến kẹo cao su, đồ uống có ga, sữa chua, bánh ngọt và các thực phẩm khác.

6. Đường acesulfame kali
Độ ngọt gấp khoảng hai trăm lần so với đường sucrose. Còn được gọi là “ace K”. Ace K ổn định hơn trong môi trường nóng, vì vậy thường được sử dụng để chế biến bánh ngọt.

Muôn hình vạn trạng những chất thay thế đường phía trên có thể khiến bạn hơi chóng mặt. Nhưng đừng quá lo lắng thái quá, chúng ta chỉ cần biết rằng những chất thay thế đường này ngọt hơn hàng trăm lần so với sucrose, do đó không cần sử dụng quá nhiều để mang lại vị ngọt. Hơn nữa, những chất thay thế đường hầu như không chứa calo, đây là tin tốt cho những người cần kiểm soát cân nặng. Ngoài ra, chất thay thế đường không phải là carbohydrate nên không làm tăng lượng đường trong máu. Trong cuộc sống của bệnh nhân tiểu đường, chất thay thế đường chiếm một vị trí rất quan trọng. Một lợi ích khác mà các chất thay thế đường có thể mang lại là nó sẽ không làm cho chúng ta bị sâu răng!

Nếu du lịch đến Mỹ, bạn sẽ tìm thấy những túi đường được chuẩn bị sẵn trên bàn, phục vụ cho thực khách có nhu cầu uống cà phê và trà. Màu sắc bao bì của chúng đại diện cho các chất thay thế đường khác nhau:

● Màu xanh: aspartame

● Màu hồng: saccharin

● Vàng: sucralose

● Màu xanh lá cây: Stevia

(Nguồn ảnh: Chăm sóc online)

Tuy nhiên, bạn cũng có thể cảm thấy không quen khi ăn chất thay thế đường! Sau khi sử dụng những sản phẩm có chứa chất thay thế đường, chúng ta sẽ cảm nhận được có một chút vị đắng hoặc vị kim loại trong miệng. Do đó, các nhà sản xuất thường sử dụng nhiều loại chất ngọt kết hợp với nhau để che đi mùi vị tồn đọng trong miệng.

Và chất thay thế đường có thực sự giúp giảm cân? Rất nhiều nghiên cứu đã được thực hiện, nhưng kết quả lại rất khác nhau. Trong một thời gian ngắn, khi chuyển từ đồ ngọt có hàm lượng calo cao sang sử dụng những thực phẩm làm từ chất thay đường, có thể giúp cơ thể hấp thu ít calo hơn. Nhưng về lâu dài, cân nặng có thể vẫn sẽ tăng lên. Điều đó có nghĩa là, muốn giảm cân chúng ta cần phải kết hợp với các chiến lược khác, nếu không hiệu quả kiểm soát cân nặng khi chuyển sang sử dụng đường thay thế là rất hạn chế.

Nếu sử dụng nhiều các hợp chất nhân tạo này, có thể gây ung thư không? Vào những năm 1970, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng saccharin có liên quan đến ung thư bàng quang. Nhưng sau nhiều thử nghiệm nghiên cứu, không có bằng chứng nào cho thấy chất tạo ngọt nhân tạo có thể gây ung thư. Trong các phân tích quy mô lớn, chất ngọt nhân tạo cũng không được nhìn nhận là có thể tăng nguy cơ ung thư. Nói cách khác, các chất tạo ngọt nhân tạo như aspartame và saccharin về cơ bản là những chất phụ gia thực phẩm an toàn.

(Nguồn ảnh: Chăm sóc online)

Ngoài các chất làm ngọt được đề cập ở trên, còn có một chất phụ gia phổ biến khác là rượu đường (Sugar alcohol). Tuy nhiên đây không phải là rượu, vì rượu đường không chứa cồn. Rượu đường tồn tại trong một số loại trái cây và rau quả, nhưng hiện nay trong sản xuất đại trà, rượu đường không thực sự được chiết xuất từ trái cây hoặc rau quả. Vì vậy quy trình sản xuất vẫn sử dụng đến những bước phản ứng hóa học để chuyển Xylose thành xylitol (xylitol ), Lactose thành Lactitol, glucose thành sorbitol.

Rượu đường khác với các chất thay thế đường được đề cập ở trên. Rượu đường là một loại carbohydrate, vì vậy nó cũng chứa calo, nhưng nó chứa ít calo hơn đường surcose. Nó cũng thường được tìm thấy trong thực phẩm chế biến như kẹo cao su và sô cô la, không chỉ giúp tạo vị ngọt mà còn mang lại cảm giác trơn ẩm cho thực phẩm. Hẳn mọi người đều biết kẹo cao su hiệu Lotte Xylitol. Xylitol chính là loại đường này.

Những ảnh hưởng đến sức khỏe của rượu đường như sorbitol và xylitol là gì? Mặc dù rượu đường là một loại carbohydrate, nhưng nó là một loại carbohydrate không thể được cơ thể hấp thụ hoàn toàn, do đó nó chỉ có ảnh hưởng nhỏ đến lượng đường trong máu, và lượng calo cũng không cao như sucrose. Vì vậy rượu đường vẫn có thể được sử dụng để kiểm soát lượng đường máu và cân nặng. Tuy nhiên, khi tiêu thụ với một lượng lớn, rượu đường rất dễ gây ra nấc cụt, đầy hơi, và tiêu chảy.

Cuối cùng, hãy cùng tìm hiểu một số chất làm ngọt như mật ong, mật hoa và si rô lá phong. Chúng ta thường cảm quan cho rằng đây là những sản phẩm tốt cho cơ thể, nhưng trên thực tế, lượng vitamin hoặc khoáng chất trong mật ong cũng chỉ tương tự như đường sucrose. Cơ thể chúng ta cũng sẽ chuyển hóa mật ong và si rô lá phong thành glucose và fructose và sau đó hấp thụ chúng. Vì vậy chúng gần như giống nhau về mặt dinh dưỡng hoặc khả năng hấp thụ của cơ thể. Do đó, bạn cũng không nên ăn quá nhiều chỉ vì nghĩ đây là đường tự nhiên. Ăn quá nhiều loại đường này cũng giống như ăn quá nhiều đường sucrose. Nó có thể gây sâu răng, tăng cân và ảnh hưởng đến lượng đường trong máu. Sẽ là hợp lý hơn khi chỉ dùng si rô lá phong hoặc mật ong để thay đổi mùi vị của món ăn. Bởi vì khi chọn sử dụng những loại đường này, chúng cũng sẽ không giúp cơ thể chúng ta khỏe mạnh hơn.


Đến đây, bạn sẽ ngạc nhiên khi biết rằng chất làm ngọt nhân tạo không tệ như chúng ta tưởng tượng, và mật ong tự nhiên hay si rô lá phong cũng không tốt như chúng ta nghĩ. Ăn quá nhiều cũng sẽ dẫn đến tăng cân và tăng lượng đường trong máu.

Tóm lại, vẫn nên nhận thức được rằng chúng ta đã ăn quá nhiều đường, nhiều hơn so với nhu cầu của cơ thể. Nên hãy bắt đầu từ việc không ăn quá ngọt, như vậy mới có thể cắt giảm lượng đường, các chất làm ngọt tự nhiên hay nhân tạo. Giảm nhu cầu ăn ngọt mới có thể giảm được gánh nặng cho cơ thể.

[Nguồn bài viết: Running Biji ]