[Sức Khỏe] Viêm gân Achilles - Người chạy bộ cần lưu ý

Sang Nguyen
Đăng ngày 27/02/2020
2,964 Lượt xem
Người yêu thích
Thêm vào yêu thích

Ở Game 5 NBA Finals 2019 vừa qua, Kevin Durant đã bị chấn thương gân Achilles ở chân phải sau 12 phút thi đấu và buộc phải rời sân. Sau đó Kevin Durant được chẩn đoán đã bị đứt gân Achilles, nhanh chóng tiến hành phẫu thuật. Tin tức này không chỉ khiến mọi người lo lắng về việc liệu họ còn có thể nhìn thấy một Kevin Durant dũng mãnh trên sàn thi đấu nữa không mà còn khiến mọi người chú ý đến vấn đề về gân Achilles.

Gân Achilles là gân lớn nhất trong cơ thể, nối cơ bắp chân với gót chân. Lớp ngoài cùng của các cơ phía sau bắp chân gần đầu gối được gọi là cơ bụng chân (gastrocnemius). Một lớp cơ khác được cơ bụng chân bao quanh phía trong bắp chân được gọi là cơ dép (soleus muscle). Cơ bụng chân và cơ dép sẽ hợp nhất tạo thành gân Achilles khi chúng tiếp cận mắt cá chân và kết nối với gót chân. Vì vậy, các hoạt động duỗi bắp chân hoặc di chuyển lòng bàn chân đều liên quan đến gân Achilles.

So với cơ bụng chân và cơ dép, gân Achilles là một thuật ngữ y học rất lãng mạn! Achilles là chiến binh đầu tiên của Hy Lạp trong sử thi Iliad của Homer. Khi được sinh ra, Achilles đã được tiên tri là chàng sẽ chết trong chiến trận. Để giúp sự trường tồn của con, Achilles được mẹ nhúng cả người vào nước sông Styx, nhưng mẹ chàng lại quên nhúng 2 gót chân chàng vào nước. Vậy là cả người Achilles là mình đồng da sắt, duy chỉ có gân nơi 2 gót chân là yếu vì không được nhúng nước. Cuối cùng Achilles đã bị bắn vào mắt cá chân trong Cuộc chiến thành Troia. Từ câu truyện đó, về sau mọi người đều gọi gân bắp chân là gân Achilles.

Tai nạn là đứt gân Achilles của Kevin Durant thường có nhiều khả năng xảy ra ở những người chơi thể thao. Một vấn đề phổ biến khác liên quan đến gân Achilles là "Viêm gân Achilles", có thể xảy ra ở những người không vận động thường xuyên. Bài viết hôm nay sẽ giới thiệu về viêm gân Achilles.

Tại sao gân Achilles bị viêm?

Nói đến bị viêm, một số người có thể nghĩ rằng nguyên nhân có thể là do gân Achilles vị va đập, bị cắt phải, bị làm tổn thương… mới gây ra hiện tượng viêm nhiễm. Tuy nhiên, trong quá trình tập luyện trong thực tế, dù bạn không cảm thấy đau đớn do bị thương, nhưng không có nghĩa là bạn không bị viêm gân Achilles!

Gân Achilles kết nối cơ bắp chân và gót chân, các hoạt động đi bộ, chạy, leo cầu thang, nhảy vv đều phải sử dụng đến bộ phận này. Do phải chịu nhiều áp lực lặp đi lặp lại hằng ngày, nguyên nhân gây ra viêm nhiễm xuất phát từ việc "lạm dụng" và "thoái hóa" gân Achilles.

Nếu chúng ta thường yêu cầu đôi chân của mình di chuyển nhanh hơn, hoặc phải chịu nhiều trọng lượng hơn, hoặc đột ngột tăng cường độ và thời gian luyện tập, chúng ta cần sự hợp tác của gân Achilles. Khi chúng ta sử dụng gân Achilles quá mức hoặc không đúng cách, gân Achilles sẽ chịu quá nhiều căng thẳng gây nên viêm nhiễm. Các yếu tố chủ yếu gây nên viêm gân Achilles bao gồm:

● Đột ngột tăng cường độ hoặc kéo dài thời gian vận động

● Thừa cân

● Di chuyển trên bề mặt không bằng phẳng hoặc quá cứng

● Mang giày không phù hợp khi tập thể dục

● Bắp chân không đủ lực

Các triệu chứng của viêm gân Achilles 

◆  Sáng thức dậy cảm thấy cứng và đau gần gân Achilles

◆ Sau khi đi bộ hoặc chạy nhanh, cảm thấy vị trí từ bắp chân đến gót chân ngày càng đau đớn.

◆ Một ngày sau khi tập thể dục, cảm thấy bắp chân cực kỳ đau đớn.

◆ Luôn luôn cảm thấy căng cứng dưới bắp chân

◆ Sưng dưới bắp chân, khối sưng rõ ràng hơn sau khi vận động.

Tùy thuộc vào vị trí, viêm gân Achilles có thể được chia thành hai loại:

Xảy ra ở giữa gân:

Đây là loại viêm dễ xảy ra ở những người trẻ tuổi và người hay vận động. Do sự thay đổi thường xuyên về vị trí và tốc độ trong khi tập thể dục, gân Achilles sẽ có một vài vết rách nhỏ, do đó chúng bị sưng lên, và các sợi gân bị tổn thương trở nên dày hơn.

Xảy ra phía dưới của gân:

Loại viêm này xảy ra tại nơi liên kết giữa gân Achilles và xương gót chân. Triệu chứng này có thể xảy ra ở người trẻ tuổi lẫn người già, và ngay cả những người không thường xuyên vận động. Tuy nhiên, những người chạy đường dài thường sử dụng gân Achilles quá mức, sẽ có nhiều khả năng bị viêm gân loại này hơn. Đây là loại viêm gân rất hay đi kèm với gai ở gót chân.

Vậy làm thế nào để tránh viêm gân Achilles?

■ Không nên thay đổi lịch trình tập luyện một cách đột ngột

Nếu bạn có thói quen chạy 1km mỗi ngày, đừng đột nhiên quyết định tăng lên chạy 20km một ngày. Đối với những người trẻ tuổi, sự gánh nặng về thể chất này có thể miễn cưỡng chấp nhận được. Nhưng những gánh nặng đến từ sự thay đổi quá đột ngột có thể khiến cho cơ bắp không kịp thích ứng. Đặc biệt, bạn nên chú ý đến tình trạng thể chất của mình. Nếu bạn luôn cảm thấy cơ bắp chân của mình rất căng, hoặc căng cơ vì bạn đang trong giai đoạn phát triển, thì đừng nên thay đổi cường độ luyện tập đột ngột, hoặc chạy trong thời gian quá dài. Hãy luôn nhớ phải thư giãn các cơ bắp chân và gân Achilles kịp thời, như vậy mới tránh được tình trạng phần sau của bắp chân trở nên căng cứng và viêm nhiễm.

■ Nghỉ ngơi hợp lý:

Nếu thỉnh thoảng cảm thấy đau ở bắp chân, bạn có thể giảm hoạt động của gân Achilles, ít nhất là bằng cách không tập thể dục với cường độ động tác cao, chẳng hạn như chạy dài, tập nhảy hip-hop... Lời khuyên là bạn nên xen kẽ các môn thể thao có cường độ  động tác thấp như bơi lội hoặc đạp xe trong quá trình tập luyện để giảm việc gân Achilles bị sử dụng quá nhiều.

■ Mang đúng giày:

Khi chọn giày, hãy chắc chắn rằng gót chân không cọt sát nhiều với gót giày. Nếu cần thiết, hãy sử dụng cây hỗ trợ mang giày để giúp bạn dễ dàng mang và cởi giày dễ dàng hơn, giúp giảm ma sát ở gót chân.

■ Tập luyện căng giãn bắp chân vừa phải:

Sau khi tập các môn thể dục với cường độ động tác cao như chạy hoặc nhảy, hãy đứng quay mặt vào tường, sử dụng tư thế lunge. Chân trước uốn cong, chân sau duỗi thẳng, đưa cơ thể hướng về về phía trước, căng giãn bắp chân. Giữ nguyên tư thế trong mười giây. Mỗi chân luyện tập 20 lần 1 ngày, giúp cho cơ bắp được tập luyện căng giãn thích hợp.

■ Tập luyện Eccentric

Trong quá trình cơ bắp sử dụng lực, giai đoạn kéo giãn các sợi cơ có thể được gọi là tập luyện eccentric (quá trình cơ dài ra khi đi theo trọng lực). Hãy tưởng tượng đến cơ biceps (chuột) ở bắp tay, khi bạn đứng với hai cánh tay duỗi thẳng, sau đó nhấc quả tạ lên hướng về phía cơ thể, đó là một "bài tập Concentric"(quá trình cơ co lại khi kháng lại trọng lực). Và khi bạn từ từ hạ quả tạ xuống, đó gọi là là "tập luyện eccentric ". Bởi vì khi nâng quả tạ cơ bắp tay sẽ co ngắn lại, khi hạ thấp quả tạ, cơ bắp từ từ được giãn dài ra.

Lấy phần cơ phía sau bắp chân làm ví dụ. Khi nhón chân lên bằng mũi chân và hạn chân xuống bằng gót chân, các cơ bắp chân ở phía sau sẽ bị rút ngắn, đây chính là tập Concentric. Nhưng khi đứng bằng gót chân, mũi chân hướng lên trên, các cơ bắp chân ở phía sau sẽ bị kéo giãn, đây chính là bài tập eccentric.

Nếu bạn muốn tập luyện, cách dễ nhất là tìm một cầu thang có tay vịn. Bạn chỉ cần đứng trên mép cầu thang bằng nửa bàn chân trước, để nửa bàn chân còn lại có thể hạ xuống và từ từ đặt xuống vị trí thấp nhất bạn có thể chịu được. Cảm nhận sự kéo dài phía sau bắp chân, giữ nguyên tư thế vài giây rồi trở về vị trí ban đầu. Sau đó lặp lại nhiều lần. Khi thực hiện các bài tập eccentric, đừng tập quá nhanh, hãy khống chế tốc độ để các cơ căng cứng từ từ được kéo dài ra. Tập luyện quá nhanh có thể dễ dàng làm tổn thương gân cơ.

Khi mới bắt đầu, bạn có thể tập hạ thấp gót chân của cả hai bàn chân cùng một lúc, để cả hai chân thực hiện động tác cùng với nhau. Khi bạn đã quen với cảm giác kéo dài cơ và gân này, đồng thời có thể kiểm soát tốt, lúc này bạn có thể thử đứng bằng một chân để kéo căng cơ bắp chân. Lúc này, trọng lượng của cơ thể được hỗ trợ bởi bàn một bàn chân nên việc tập luyện sẽ hơi khó khăn.

Nếu thường xuyên bị sưng và đau dưới bắp chân và gót chân, hãy đến bác sĩ để điều trị. Bác sĩ có thể chụp X-quang để xem tình trạng của xương và gân có bị vôi hóa không. Để kiểm tra chi tiết hơn, chụp cộng hưởng từ MRI là cần thiết để đánh giá mức độ chấn thương gân Achilles.

Nếu chưa đến mức phải phẫu thuật, bạn có thể sử dụng thuốc giảm đau chống viêm, đồng thời xem xét sử dụng sóng xung kích ngoại bào để kích thích quá trình tự phục hồi của gân. Trong quá trình điều trị, hãy giữ thói quen tập eccentric mỗi ngày. Steroid hiếm khi được tiêm ở khu vực này vì có thể đẫn đến nguy cơ đứt gân Achilles. 

Nếu viêm gân Achilles trở nên nghiêm trọng và bị đau đớn lâu dài, bệnh nhân có thể tiến hành phẫu thuật. Phương pháp phẫu thuật bao gồm cắt bỏ cơ bụng chân, loại bỏ phần bị tổn thương của gân Achilles, sau đó khâu lại hoặc chuyển các gân khỏe mạnh từ vị trí khác qua để hỗ trợ sức mạnh của gân Achilles. Tình trạng của mỗi người là khác nhau và nên cần phải thảo luận với bác sĩ.


[Nguồn bài viết: Running Biji]